1 lô hàng cấm, 2 doanh nghiệp 'ma'

Chỉ có 1 lô hàng, cả 2 doanh nghiệp đều mở tờ khai hải quan nhập khẩu, khi hàng bị phân luồng Đỏ- kiểm tra thực tế thì cả hai đều 'lặn mất tăm' không đến nhận hàng...

Địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty M.I.C không có thật, nơi đây là nhà dân. Ảnh: L.H

Chọn luồng để nhập hàng cấm

Ngày 10/9/2016, Công ty TNHH Giải trí Vui (Phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM) mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1- Cục Hải quan TPHCM nhập khẩu lô hàng thuộc vận đơn AMP0239511. Theo khai báo trên tờ khai hải quan, hàng hóa gồm 12 mục gồm: Bếp âu 4 họng, bếp chiên bề mặt ga, máy đóng gói chân không, thiết bị đóng gói thức ăn bằng đèn, máy là quần áo, máy sấy quần áo tự động, tất cả hàng mới 100%. Lô hàng được hệ thống phân luồng Đỏ - kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai và được phân luồng, đại diện DN không đến làm thủ tục xuất trình hàng hóa kiểm tra.

Vài ngày sau, ngày 12/9, Công ty TNHH thương mại M.I.C (địa chỉ tại số 19/1, đường số 1, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM) đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng thuộc vận đơn trên tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1. Hàng hóa cũng được khai báo như nêu trên, nhưng có khai báo thêm về trị giá hàng hóa trên 266 triệu đồng, số tiền thuế phải nộp trên 50 triệu đồng. Tờ khai này cũng được hệ thống phân luồng Đỏ.

Phát hiện cùng một vận đơn hàng, nhưng hai doanh nghiệp mờ 2 tờ khai hải quan khác nhau có dấu hiệu vi phạm, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra thực tế lô hàng trị giá trên 2,3 tỷ đồng, trong đó có 16 mục hàng đã qua sử dụng- thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, trị giá trên 613 triệu đồng; 46 mặt hàng mới là hàng điện tử, điện lạnh, lò nướng… trị giá gần 1,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế lô hàng này đã gửi giấy mời cho cả hai công ty đến chứng kiến việc kiểm tra, nhưng đại diện cả hai công ty đều không đến. Liên lạc qua điện thoại, cơ quan Hải quan cũng không thể kết nối được với người đại diện pháp luật của hai công ty này.

Bí ẩn hai doanh nghiệp “ma”?

Phát hiện việc nhập khẩu lô hàng cấm nêu trên có nhiều dấu hiệu bất thường từ hai doanh nghiệp, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam đã phối hợp điều tra xác minh và phát hiện nhiều bí ẩn bất thường từ hai doanh nghiệp này.

Theo kết quả xác minh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, Công ty TNHH Giải trí Vui (chuyên kinh doanh các lĩnh vực giải trí trong nội địa, không liên quan gì đến hoạt động XNK) do bà Văn Thị Thanh Hương làm đại diện pháp luật đã thực hiện chuyển nhượng doanh nghiệp và đại diện theo pháp luật cho ông Đặng Văn Hùng và đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại M.I.C.

Kết quả xác minh của cơ quan Hải quan đối với ông Trịnh Quang Hùng, giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty TNHH M.I.C tại nơi cư trú (thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam), ông Hùng cho biết, đang làm nghề lái xe, chưa từng đến TPHCM, không biết gì về Công ty TNHH Thương mại M.I.C và cũng chưa bao giờ thành lập công ty để kinh doanh.

Từ thông tin này cùng với các thông tin xác minh, điều tra, cơ quan Hải quan nhận định, chứng minh nhân dân mang tên ông Trịnh Quang Hùng được sử dụng trong các hồ sơ chuyển nhượng, thành lập Công ty TNHH Thương mại M.I.C đã bị ông Hùng đánh rơi khi vào làm việc tại Đồng Nai năm 2007. Xác minh tại địa chỉ đăng ký hoạt động của Công ty TNHH Thương mại M.I.C không có địa chỉ này và không có công ty nào có tên như vậy hoạt động quanh khu vực này. Như vậy, có sở cho thấy hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty TNHH Giải trí Vui do bà Văn Thị Thanh Hương với ông Trịnh Quang Hùng là không có thật.

Điều bất hợp lý nữa được cơ quan Hải quan chỉ ra, đó là mặc dù đã chuyển nhượng đổi tên từ tháng 8/2016, nhưng sau đó một tháng (tháng 9/2016), khi có hàng nhập khẩu về cảng, Công ty TNHH Giải trí Vui vẫn thực hiện đăng ký mở tờ khai hải quan để nhập khẩu lô hàng, đến khi biết lô hàng được phân luồng Đỏ, Công ty TNHH Thương mại M.I.C mới thực hiện đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng trên. Như vậy, khẳng định, lô hàng trên thực chất là của Công ty TNHH Giải trí Vui nhập khẩu vì chỉ khi lô hàng được phân luồng Đỏ và công ty này biết việc khai báo hải quan đối với hàng vi phạm pháp luật.

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, cơ quan Hải quan xác định việc cố ý không khai báo hàng cấm, trị giá hàng hóa lớn của hai công ty có dấu hiệu của tội buôn lậu. Các đối tượng đã lợi dụng quy định tạo thuận lợi về thủ tục thành lập, chuyển nhượng doanh nghiệp và thủ tục hải quan để buôn lậu, nhập khẩu hàng cấm. Vì vậy, mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Buôn lậu” liên quan đến Công ty TNHH Giải trí Vui đã được chuyển nhượng, thay đổi đăng ký kinh doanh thành Công ty TNHH Thương mại M.I.C. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TPHCM điều tra theo thẩm quyền.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/1-lo-hang-cam-2-doanh-nghiep-ma-120610.html