1 điểm/môn là đỗ lớp 10 công lập ở Thanh Hóa, báo động chất lượng ảo

GDVN- Giáo dục phải trung thực bằng cách phản ánh đúng điểm số thật của các em dù có thấp đến đâu đi nữa, để nhìn thẳng và sửa chữa.

Thời gian này, các tỉnh đã bắt đầu công bố điểm chuẩn vào 10 ở hệ thống trường công lập. Nhìn bảng điểm của nhiều tỉnh thành, không ít bạn đọc đã tỏ ra bất ngờ vì điểm chuẩn được lấy vào quá thấp.

Ảnh chụp màn hình công thức tính điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập Hà Nội theo hướng dẫn 1524/SGDĐT-QLT ngày 19/5/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với cách tính này, về bản chất chỉ thi 3 môn nhưng tổng điểm lại là 5 môn theo hệ số 10.

Ảnh chụp màn hình công thức tính điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập Hà Nội theo hướng dẫn 1524/SGDĐT-QLT ngày 19/5/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với cách tính này, về bản chất chỉ thi 3 môn nhưng tổng điểm lại là 5 môn theo hệ số 10.

Ảnh chụp màn hình điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập Hà Nội năm học 2020-2021 cho thấy chất lượng thực sự bậc trung học cơ sở có nơi đáng báo động. [1]

Cách tính điểm chuẩn vào 10 ở Đà Nẵng có khác hơn nhưng 2 môn văn, toán cũng nhân 2 (Ảnh tác giả)

Nhiều trường điểm chuẩn chỉ ở mức 10, 11, 12 điểm, thậm chí có trường ở tỉnh Thanh Hóa chỉ lấy điểm chuẩn là 5, 6. Thế nhưng ít ai biết số điểm chuẩn ấy có được sau khi đã được nhân hệ số.

Điểm chuẩn vào 10 một số trường ở Thanh Hóa rất thấp sau khi đã nhân hệ số (Ảnh tác giả)

Ví như điểm Toán và điểm Văn nhân 2 và cộng với điểm Ngoại ngữ. Số điểm ấy, chia cho 5 mỗi môn chỉ đạt 1 điểm là đỗ trường công.

Với số điểm là 10 (đã nhân hệ số) nhưng nếu chưa nhân hệ số thì sao? Thì chắc chắn điểm chuẩn vào trường chỉ đạt 6 điểm cho 3 môn thi.

Vì sao điểm Toán, Văn cứ phải nhân đôi?

Chúng tôi lục tung các quy định để tìm cách tính điểm chuẩn vào 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tuyệt nhiên không thấy, chỉ thấy quy định cách tính điểm của từng địa phương.

Một điểm chung dễ nhận thấy đó là gần như tỉnh thành nào cũng quy định điểm thi 2 môn Văn, Toán được 2 và cộng với điểm môn Ngoại ngữ (và ưu tiên) là ra điểm trúng tuyển.

Vì sao không tính 3 môn thi cùng hệ số cho giống nhau? Một số đồng nghiệp của chúng tôi bày tỏ quan điểm của mình thế này.

Thầy giáo Tr. ở Bình Thuận khẳng định: “Không có quy định nào liên quan đến việc tính điểm tuyển sinh lớp 10 từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cả”.

Băn khoăn với điểm chuẩn vào 10 quá thấp

Thầy Tr. đưa ra 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, trước đây theo cách đánh giá cũ học lực của học sinh thì Toán, Văn nhân 2 thì điểm thi hai môn này nhân 2 là hợp lý. Nhưng giờ điểm hệ số các môn học được tính bằng nhau nhưng họ vẫn theo đà cũ.

Thứ hai, nhân hệ số thế này chỉ là tạo cảm giác điểm không quá thấp. Nhiều người không để ý, cứ tưởng đó là điểm thi của 3 môn thôi.

Cùng quan điểm với thầy Tr. Thầy H. ở Vũng Tàu cũng cho biết, cách đánh giá cũ quan niệm Toán là "cha đẻ" của khoa học tự nhiên, Văn là "cha đẻ" của khoa học xã hội nên được coi trọng.

Đây cũng chính là bệnh coi trọng môn chính môn phụ do lịch sử để lại cùng với đó là căn bệnh thành tích tạo cảm giác điểm cao.

Xảo thuật nhân đôi điểm tuyển sinh che giấu chất lượng giáo dục thật sự tệ, cần thiết phải xóa bỏ

Nếu như trước đây, tính điểm trung bình của học sinh người ta lấy điểm toán văn cộng lại rồi nhân 2 thì theo Thông tư 58 về quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở đã xóa bỏ điều này. Tất cả những môn học đánh giá bằng điểm số đều có vai trò như nhau. Cách tính sẽ là:

Toán, Văn nhân đôi, 3 môn 10 điểm đỗ trường công thì thi làm gì cho lãng phí?

Ví dụ tính điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) là trung bình cộng của điểm các bài KTtx, KTđk và KThk với các hệ số quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quy chế này:

- TĐKTtx:Tổng điểm của các bài KTtx

- TĐKTđk: Tổng điểm của các bài KTđk

- ĐKThk: Điểm bài KThk

2 môn Toán và Văn đã không còn nhân 2 như trước thì lý do gì điểm thi vào 10 vẫn cứ áp dụng theo cách đánh giá cũ trước đây?

Theo một số thầy cô giáo, việc nhân 2 môn toán và văn cũng chính là bệnh thành tích và tạo cảm giác đánh lừa mọi người thì tại sao chúng ta không thể bỏ?

Ví như học sinh thi 3 môn đạt 6 điểm nhân hệ số sẽ thành 10, thậm chí thi mỗi môn chỉ 1 điểm nhưng nhân hệ số sẽ là 5 hoặc 6 điểm.

Dĩ nhiên điểm chuẩn là 10 sẽ dễ chịu hơn nhiều điểm chuẩn là 6 hoặc điểm chuẩn là 5 vẫn đỡ hơn điểm chuẩn là 3.

Nhưng, giáo dục phải trung thực bằng cách phản ánh đúng điểm số thật của các em dù có thấp đến đâu đi nữa, để chúng ta biết chất lượng giáo dục thực sự đang ở ngưỡng nào và có giải pháp cải thiện, chứ không phải tự lòe mình dối người để mà "ngạo nghễ quá Việt Nam ơi!"

Từ thực tế phũ phàng ấy, chính thầy cô, phụ huynh và học sinh sẽ biết mình cần phải làm gì để khắc phục kết quả học tập bết bát như vậy.

Có như thế mới mong giáo dục đổi mới căn bản và toàn diện. Chừng nào còn để các địa phương sử dụng sảo thuật nhân đôi điểm số tuyển sinh để tự huyến hoặc mình và xã hội, e đổi mới căn bản và toàn diện vẫn chỉ dừng ở chính sách, khẩu hiệu. Hay nói cách khác, là trên có chính sách thì dưới có "đối sách".

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoi.edu.vn/tin-tuc-su-kien/diem-chuan-trung-tuyen-vao-lop-10-trung-hoc-pho-thong-cong-lap-nam-hoc-2020-2021-cm525-11541.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-vao-10-truong-cong-ha-noi-2-5-diem-mon-la-do-bao-dong-xao-thuat-nhan-doi-post211654.gd