Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản và cuộc đua đặc biệt

Hôm nay (29/9), Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Đảng. Ứng cử viên nào giành chiến thắng, sau khi 'sát hạch' một lần nữa tại Quốc hội Nhật Bản sẽ trở thành Thủ tướng thứ 100 của nước này.

Đến thời điểm hiện tại thì 4 ứng cử viên là nguyên Trưởng Ban nghiên cứu chính sách Đảng LDP - ông Kishida Fumio, ông Kono Taro - Bộ trưởng cải cách hành chính kiêm phụ trách tiêm chủng, bà Takaichi Sanae - cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, bà Seiko Noda - quyền Tổng thư ký Đảng vẫn giữ lập trường quyết tâm tham gia cuộc đua đến phút cuối.

Các ứng viên chạy đua vào ghế Chủ tịch đảng LDP (từ trái sang: Kono Taro, Kishida Fumio, Takaichi Sanae, Seiko Noda). Nguồn: Reuters

Các ứng viên chạy đua vào ghế Chủ tịch đảng LDP (từ trái sang: Kono Taro, Kishida Fumio, Takaichi Sanae, Seiko Noda). Nguồn: Reuters

Cuộc bầu cử đặc biệt

Ngày 3/9, Thủ tướng Suga Yoshihide chính thức tuyên bố không tham gia tranh cử cuộc đua Thủ tướng nhiệm kỳ mới khi ông kết thúc nhiệm kỳ trong tháng này. Đây là bất ngờ lớn, khi trước đó chỉ vài ngày ông vẫn quyết định tham gia, và còn có ý định cải tổ nhân sự đảng cầm quyền LDP, trong đó có việc thay Tổng thư ký Đảng Toshihiro Nikai - người được coi có quyền lực chỉ sau Chủ tịch Đảng. Đây là điều đặc biệt mà các kỳ bầu cử trước không thấy.

Quyết định không tham gia tranh cử này đã đặt ra nhiều câu hỏi, không chỉ về lý do ông đưa ra quyết định mà nhiều người xem là có phần đột ngột này, hay đâu là ứng cử viên kế nhiệm tiềm năng, mà còn cả những ảnh hưởng của nó đối với các mối quan hệ đồng minh, nhất là với Mỹ. Quyết định đã khiến Washington không khỏi lo lắng, nhất là trong bối cảnh họ kỳ vọng Tokyo sẽ tránh được xu thế “thay đổi lãnh đạo” và duy trì vị thế là một đối tác ổn định, thân thiết với Mỹ để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có những rủi ro từ phía Trung Quốc.

Riêng đối vấn đề trong nước, còn bộn bề nhiều vấn đề đang trong quá trình thực hiện như chống dịch Covid-19, khôi phục nền kinh tế vốn vừa "ốm dậy"… Đây cũng là điểm đặc biệt của cuộc bầu cử lần này.

Ứng cử viên nào lợi thế?

Cuộc đua chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại Nhật Bản bước vào thời khắc cuối cùng. Trong ngày qua (28/9), cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng với 382 phiếu bầu đã kết thúc. Đến sáng nay, tuy chưa có kết quả cuối cùng tại vòng này, nhưng nếu không có ứng cử viên nào đạt số phiếu quá bán, thì hai ứng cử viên đạt số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục tranh cử tại cuộc bỏ phiếu do các nghị sĩ Quốc hội tiến hành vào ngày hôm nay (29/9) với 382 phiếu bầu. Nếu tính cả hai tổng là 764 phiếu bầu.

Theo thăm dò, trong số 382 phiếu bầu là các Nghị sĩ Quốc hội, ông Kishida được khoảng hơn 30% ủng hộ, ông Kono khoảng 25%, bà Takaichi hơn 20%, bà Noda dừng ở mức khoảng 20 phiếu. Một số nghị sĩ LDP vẫn đang theo dõi tình hình. Hơn 10% vẫn chưa thể hiện rõ lập trường của mình.

Còn tính số phiếu bầu của các đảng viên thông thường, ông Kono dự kiến sẽ nhận được nhiều phiếu nhất, tiếp theo là ông Kishida và bà Takaichi. Ông Kono và ông Kishida sẽ dẫn đầu về tổng số phiếu bầu. Bà Takaichi dự kiến có số phiếu sát nút.

Ông Kishida Fumio (phải) và ông Kono Taro (trái) đang chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử. Nguồn: Reuters

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, hai ứng cử viên là nguyên Trưởng Ban nghiên cứu chính sách đảng LDP - ông Kishida Fumio và ông Kono Taro - Bộ trưởng cải cách kiêm phụ trách tiêm chủng đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, cả 2 ứng cử viên này vẫn phải đợi kết quả của cuộc bầu cử trong các nghị sĩ Quốc hội vào chiều nay.

Ông Kono Taro cho rằng việc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân là chiến lược đi đến chiến thắng. Ông Kishida Fumio lại cho rằng chưa đến phút cuối thì kết quả cũng chưa thể biết, và ông muốn cởi bỏ sự căng thẳng trong cuộc đua này.

4 ứng cử viên cũng đã kết thúc phần tranh luận trong suốt hơn một tuần qua. Quan điểm của mỗi ứng cử viên có nhiều điểm khác nhau về các vấn đề chiến lược của Nhật Bản. Tuy nhiên, có những vấn đề 4 ứng cử viên lại đồng thuận như dồn sức cho khống chế đại dịch Covid-19, tiếp tục có những biện pháp nhằm đối phó với hoạt động phát triển hạt nhân của Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Một diễn biến khác là theo công bố của Chủ tịch Hội đồng Thống đốc toàn quốc, Hội đồng đã đồng ý với tất cả những chính sách liên quan đến phòng chống đại dịch Covid-19 và phát triển địa phương của hai ứng cử viên Kishida và Takaiichi. Riêng ứng cử viên Kono có 2 điều khoản và ứng cử viên Noda có 4 điều khoản chưa nhận được sự tán đồng, và sẽ được tiếp tục lấy ý kiến từ Quốc hội.

Như vậy, cơ hội cho ứng cử viên Kono và Kishida là ngang nhau. Hai ứng cử viên còn lại khó có cơ hội.

Thách thức nào cho tân Thủ tướng?

Cũng như những Thủ tướng tiền nhiệm, tân Thủ tướng Nhật Bản chắc chắn sẽ phải đương đầu với những thách thức. Nhưng ở nhiệm kỳ 3 năm lần này, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ có nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết hài hòa các vấn đề trong và ngoài nước.

Đối với các vấn đề trong nước, tân Thủ tướng tiếp tục phải làm sao thực hiện tốt các giải pháp liên quan đến khống chế dịch Covid-19 với những biến thể mới, đảm bảo nguồn vaccine, thúc đẩy tiêm chủng đúng tiến độ, từng bước bình thường trở lại các hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Cũng giống như các nước khác, doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian vừa qua nên việc khôi phục lại hoạt động, doanh thu đòi hỏi thời gian không chỉ 1-2 năm mà còn dài hơn thế.

Trong thời gian qua, những chính sách liên quan đến chuyển đổi số, đảm bảo phúc lợi cho người già tại Nhật Bản cũng bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch. Do vậy, tân Thủ tướng theo truyền thống cũng không thể không để ý đến những chính sách của người tiền nhiệm và phải tập trung thúc đẩy. Trong một giả thiết, nếu ứng cử viên Kono thắng cử thì việc ông sẽ thực hiện tiếp một số chính sách của ông Suga Yoshihide là đương nhiên, bởi ông Suga đang ủng hộ cho ông Kono.

Một cuộc họp của nhóm Quad, có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: Reuters

Về mặt đối ngoại, tân Thủ tướng cũng gặp phải không ít khó khăn. Trong chưa đầy một năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đầu tư rất nhiều nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với Chính phủ Thủ tướng Suga Yoshihide và củng cố liên minh với Nhật Bản, trong bối cảnh Washington tăng cường sự tập trung cho khu vực. Bất chấp dịch bệnh, quan hệ Nhật-Mỹ được thúc đẩy khi ông Suga đã có 2 lần thăm Mỹ với những cam kết về nhiều vấn đề, nổi bật là thúc đẩy hợp tác Nhật-Mỹ-Australia-Ấn Độ hướng tới thực hiện khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hạn chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực…

Do đó, tân Thủ tướng rõ ràng phải chuẩn bị cho kế hoạch hợp tác với Mỹ sau này ra sao, ngược lại đòi hỏi Mỹ giờ đây lại phải chuẩn bị cho một mối quan hệ mới. Điều này dự báo sẽ gây mất thời gian cho 2 bên. Như vậy, trụ cột quan hệ ngoại giao của Nhật Bản vẫn là Mỹ. Nhưng thời điểm này quan hệ hai bên bị ảnh hưởng do Nhật Bản mất thời gian cho việc bầu Thủ tướng mới, còn Mỹ đang giành ưu tiên cho vấn đề Afghanistan.

Trong khi đó, các vấn đề về tính liên tục và ổn định đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Washington, bởi ông Suga Yoshihide đã sẵn sàng viết tiếp tên mình vào một danh sách dài các nhà lãnh đạo Nhật Bản ra đi chỉ sau khoảng một năm tại vị. Sự xáo trộn trên chính trường Nhật Bản sẽ khiến Mỹ đặt câu hỏi về khả năng nảy sinh các bất ổn chính trị, những chuỗi lãnh đạo ngắn hạn sau các giai đoạn cầm quyền dài hạn của nhiều Thủ tướng trước đây. Và liệu Nhật Bản có thể có được một nhà lãnh đạo mới đủ quyền lực để thực hiện các sáng kiến liên minh hay không.

Như vậy, tân Thủ tướng sẽ phải trả lời những câu hỏi trên, và đây cũng là thách thức lớn cần giải quyết không chỉ ở một nhiệm kỳ./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thu-tuong-thu-100-cua-nhat-ban-va-cuoc-dua-dac-biet-894196.vov