1.000 xe tăng Armata cũng phải chịu thua... 10 chiếc A-10?

Không quân Mỹ vừa cho biết sẽ thực hiện biện pháp 'tác chiến phi đối xứng' mang đầy đủ đặc trưng của họ trong việc chống lại binh đoàn xe tăng Nga.

Hiện nay Lục quân Nga đang được đầu tư rất mạnh nhằm tìm lại ánh hào quang trước kia của Liên bang Xô Viết, họ dự kiến sẽ sớm đưa xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata vào dây chuyền sản xuất hàng loạt.

Bên cạnh kế hoạch trên, các nhà máy chế tạo - sửa chữa xe tăng Nga còn đang chạy hết công suất nhằm nhanh chóng hoàn thành các hợp đồng nâng cấp, hiện đại hóa những chiếc chiến xa ra đời từ thời Liên Xô và đang nằm trong các kho dự trữ.

Có thể kể ra đây một vài ví dụ tiêu biểu như dự án hiện đại hóa tới 3.000 xe tăng T-80BM lên chuẩn T-80BMV mà theo đánh giá thì không thua kém gì chiếc T-90M Proryv-3 mới được giới thiệu; hay nâng cấp số lượng lớn T-72B lên thành T-72B3 và giao cho vai trò xương sống của lực lượng tăng thiết giáp.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM của Lục quân Nga

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM của Lục quân Nga

Sau khi hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng trên, theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự thì bộ binh cơ giới Nga sẽ chiếm giữ ưu thế tuyệt đối trên chiến trường so với các quốc gia thuộc khối quân sự NATO khác.

Trong điều kiện nổ ra chiến tranh tổng lực, thật khó để lục quân các quốc gia Baltic đã gia nhập NATO có thể cản lại bước tiến của các binh đoàn xe tăng Nga, kể cả có sự trợ giúp lực lượng từ nhiều thành viên NATO khác.

Tuy nhiên có lẽ người Nga không nên vui mừng vội vì ở phía bên kia đại dương, Quân đội Mỹ đã công bố kế hoạch tác chiến theo kiểu "phi đối xứng" mang đậm màu sắc của riêng họ mà theo công bố thì thừa sức bẻ gãy đợt tấn công của xe tăng Nga.

Máy bay cường kích A-10 của Không quân Mỹ

Cách đây đã hơn 20 năm, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng thời đại của xe tăng đã kết thúc và phương tiện làm chủ chiến trường trong chiến tranh hiện đại là những "xe tăng bay", đó là trực thăng vũ trang mà cường kích tầm thấp.

Quân đội Mỹ là bên đưa ra học thuyết trên và họ rất tích cực xây dựng lực lượng vũ trang của mình theo hướng đi này, xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của họ hầu như chỉ có nhiệm vụ duy nhất là dọn dẹp chiến trường.

Còn vai trò bẻ gãy sức kháng cự của đối phương, tiêu diệt xe tăng, thiết giáp hay cụm công trình phòng thủ được giao cho máy bay nhờ khả năng linh hoạt, uy lực lớn và ưu thế tuyệt đối khi tiêu diệt chiến xa đối phương.

Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, khi Quân đội Iraq còn đầy đủ sức mạnh, lực lượng xe tăng của họ đã bị trực thăng Apache bắn tan tác và hầu như chẳng thể gây hại cho đội hình xe tăng của đối phương.

Sát thủ diệt tăng AH-64 Apache của Không quân Lục quân Mỹ

Phương thức tác chiến này luôn được Mỹ trung thành sử dụng cho tới ngày nay, chiến thuật cực kỳ đơn điệu nhưng hầu như chẳng thể đối phó, nhất là khi Không quân Mỹ luôn đảm bảo làm chủ bầu trời trước bất cứ đối thủ nào.

Để đối phó kế hoạch nâng cấp lực lượng tăng thiết giáp của Nga, Không quân Mỹ cho biết họ chỉ cần kéo dài thời hạn phục vụ của cường kích A-10 là đủ, sát thủ diệt tăng này sẽ đảm bảo tỷ lệ chiến thắng tuyệt đối trên chiến trường khi được sử dụng để chống trả T-14 Armata hay T-80BVM.

Thậm chí người Mỹ còn tự tin khẳng định rằng Nga có chế tạo tới 1.000 chiếc T-14 Armata cũng sẽ gánh chịu thất bại thảm hại trước một biên đội A-10 - loại máy bay đã có kế hoạch loại biên.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/1000-xe-tang-armata-cung-phai-chiu-thua-10-chiec-a-10-3359997/