'1.000 tỷ lãng phí từ SGK có thể xây 20.000 nhà chính sách'

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, khoản 1.000 tỷ đồng trong sử dụng SGK một lần có thể dùng xây 20.000 căn nhà chính sách.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Chiều nay (15/10), các đại biểu của Ủy ban TVQH tiếp tục thảo luận về báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2019; báo cáo giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016- 2020.

Lãng phí từ SGK có thể xây 20.000 căn nhà chính sách

Tiếp tục đề cập đến vấn đề lãng phí trong sử dụng SGK một lần, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, con số 1.000 tỷ đồng xã hội phải chi cho việc in sách giáo khoa mỗi năm chính là minh chứng cho việc chúng ta thực hiện các chính sách tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt hiệu quả. Con số 1.000 tỷ bà Hải đưa ra được cho tương ứng với 127,8 bản phải in mỗi năm mà năm sau không thể tái sử dụng.

Trưởng ban Dân nguyện cũng đưa ra so sánh, so với mức chi để xây nhà cho người có công (50 triệu đồng/căn nhà xây mới, 20 triệu đồng/căn nhà cần sửa chữa), 1.000 tỷ này nếu tiết kiệm được sẽ giúp làm được 20.000 căn nhà mới, sửa được 40.000 căn nhà cho các đối tượng cần hỗ trợ.

Bà Hải nêu thực tế, khi con số lãng phí 1.000 tỷ mỗi năm này được nêu ra, dù Bộ GD-ĐT có văn bản truyền đi nói, thực hiện Nghị quyết 40 (ban hành năm 2000) của Quốc hội, từ những năm đầu tiên khi tiến hành thí điểm bộ sách giáo khoa mới (từ năm 2002), Bộ đã ban hành công văn nói giáo viên cần hướng dẫn học sinh không viết lên sách giáo khoa. Giáo viên và học sinh có trách nhiệm bảo quản sách giáo khoa… Nhưng với những mệnh đề, bài tập in sẵn trên sách mà yêu cầu làm thế thì theo bà Hải, là rất khó.

"Vấn đề này đã được cử tri đề cập từ những năm đầu thực hiện chương trình, sử dụng bộ sách mới nhưng 16 năm đã qua, tình trạng sách giáo khoa có in bài tập vẫn không giảm. Có ĐBQH cũng đã nêu vấn đề lãng phí này từ năm 2005-2006 nhưng chưa được quan tâm, giải quyết" - bà Hải nêu thực tế và đặt câu hỏi, vấn đề lãng phí này tại sao cả xã hội biết, phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng đều biết mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn?. "Giá 5 năm trước chúng tôi quyết liệt hơn, các ĐBQH quyết liệt hơn thì trong thời gian 5 năm, cả nước đã có được thêm bao nhiêu căn nhà chính sách” – bà Hải nói.

Phong cách lắng nghe dân là “điểm sáng”

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua có thể thấy gặp không ít khó khăn, thách thức, có những tồn đọng từ những năm trước đó, nhưng với tinh thần vừa làm vừa tháo gỡ đã tạo sự đồng thuận.

“Điều rất mừng là quyết tâm chính trị cao đã chuyển thành những chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội. Chương trình hành động của các bộ ngành, ủy ban và địa phương có hiệu quả” – bà Phóng nêu rõ, đồng thời nêu dẫn chứng có những đổi mới về chính sách đáng ghi nhận như giao vốn đầu tư công trung hạn một cách công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí có tác động tích cực trong chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành đất nước.

Một “điểm sáng” nữa, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là phong cách lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp, giải quyết vấn đề bức xúc phát sinh trong xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại cũng làm tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian qua, Chính phủ tích cực điều hành theo tinh thần xuyên suốt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

“14 điểm nhấn trong báo cáo thẩm tra về những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trên nhiều lĩnh vực, tăng cường niềm tin trong nhân dân cũng như được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao” – bà Nga khẳng định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng dẫn chứng việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn, thường xuyên đối thoại và lắng nghe để giải quyết những vấn đề cấp bách, vấn đề bức xúc của nhân dân cũng như tạo niềm tin với các nhà đầu tư.

Đề nghị nhấn mạnh thêm về phòng chống tham nhũng trong báo cáo, bà Nga cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư – Trưởng Ban PCTN T.Ư, công tác này đã được đẩy mạnh, thể hiện nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề cập một số vấn đề cần chú ý, như tình trạng vi phạm trong cổ phần hóa nhà, đất công mà theo bà Nga là có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn. Tham nhũng, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đang dần lộ diện qua các vụ việc vừa qua.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/1000-ty-lang-phi-tu-sgk-co-the-xay-20000-nha-chinh-sach-d275534.html