07 giải pháp trong Đề án Chiến lược phát triển ngành Vật liệu xây dựng hướng tới tăng tính hiệu quả và bền vững

Những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Từ chỗ cung không đáp ứng đủ cầu, đến nay tất cả các chủng loại vật liệu xây dựng chủ yếu đã được sản xuất và cơ bản thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước, thậm chí một số chủng loại đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, ngành Vật liệu xây dựng còn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để ngành Vật liệu xây dựng phát triển bền vững.

Để ngành Vật liệu xây dựng phát triển bền vững về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần ban hành những chính sách phù hợp, hiệu quả… (Ảnh: T/L).

Để ngành Vật liệu xây dựng phát triển bền vững về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần ban hành những chính sách phù hợp, hiệu quả… (Ảnh: T/L).

Thời gian gần đây, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương đã tích cực vào cuộc, đưa ra những giải pháp đồng bộ, định hướng chủ động và xuyên suốt để "nắn" ngành Vật liệu xây dựng đi đúng quỹ đạo.

Điển hình trong tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” (gọi tắt là Chiến lược), định hướng phát triển vật liệu xây dựng nước ta theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường.

Chiến lược được xây dựng với các quan điểm phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 7 giải pháp thực hiện, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Trong đó, tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định; hình thành các khu vực, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác mỏ tiên tiến, an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; tổ chức thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng có tính đến biến đổi khí hậu.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động trong công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới; đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh có trình độ, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế.

Đầu tư khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng thay thế; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm vật liệu xây dựng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Có thể thấy, hệ thống công nghệ sản xuất được cải tiến, dần tiếp cận trình độ chung trong khu vực và trên thế giới. Sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Cùng với đó, những quy định, thể chế về lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng từng bước hoàn thiện, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng cũng như củng cố vai trò quan trọng của ngành Vật liệu xây dựng trong nền kinh tế,...

Tuy nhiên, để ngành Vật liệu xây dựng phát triển bền vững về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần ban hành những chính sách phù hợp đối với các đối tượng tham gia đầu tư sản xuất, sử dụng các chủng loại vật liệu thân thiện môi trường, đồng thời có chế tài chặt chẽ hơn đối với các đơn vị phát thải chất thải hoặc không sử dụng vật liệu tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cần nắm bắt cơ hội, xây dựng định hướng phát triển phù hợp trong điều kiện hiện nay, vừa phải coi trọng thị trường trong nước, nhưng cần hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm...

Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/07-giai-phap-trong-de-an-chien-luoc-phat-trien-nganh-vat-lieu-xay-dung-huong-toi-tang-tinh-hieu-qua-va-ben-vung-293551.html