03 nội dung chính tại Hội nghị chuyên đề 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chiều ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội, Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ dự Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự hội nghị còn có đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội; cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến, gồm điểm cầu Hà Nội, Đảng bộ cơ sở Vụ Công tác phía Nam và điểm cầu Chi bộ Vụ Công tác miền Trung và Tây nguyên.

Hội nghị sinh hoạt chuyên đề nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm góp phần hiểu rõ và tôn vinh giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác; qua đó tạo thêm niềm tin, phấn khởi để cán bộ, đảng viên thi đua thực hiện hiệu quả tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; góp phần tạo nên không khí phấn khởi thi đua và chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến, gồm điểm cầu Hà Nội, Đảng bộ cơ sở Vụ Công tác phía Nam và điểm cầu Chi bộ Vụ Công tác miền Trung và Tây nguyên.

Tại hội nghị, báo cáo viên GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã thông tin với đảng viên Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội về 3 nội dung chính:

1- Hệ thống hóa một số thời khắc cảm động cách đây 50 năm về trước để nhớ tới Bác Hồ, để cảm nhận thật sự sâu sắc về công lao trời biển của Người.

2- Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác được kết tinh trong bản Di chúc 1.000 từ, đang được Đảng, Nhà nước trân trọng, xếp vào bảo vật quốc gia. Đặc biệt, bản Di chúc không chỉ là bảo vật mà còn là pháp bảo, tức là phương pháp quý báu để hành động, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta.

3- Hồi tưởng lại 50 năm trước, sau khi Bác mất, Đảng tổ chức trọng thể Lễ Quốc tang cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc bấy giờ đã đọc 05 Lời thề vĩnh biệt Bác của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là dịp để nhìn lại việc thực hiện 05 Lời thề thiêng liêng vĩnh biệt Bác.

Chia sẻ thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết, Bác Hồ là Nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch nước trong vòng 24 năm liền. Bác ra đi vào đúng Ngày Quốc khánh Việt Nam 02/9, Người là trường hợp độc nhất vô nhị trên thế giới, sau khi ra đi đã để bản Di chúc được coi là “Áng thiên cổ hùng văn”, kết tinh tất cả cuộc đời của Bác, trong đó có cả sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết, Bác bắt đầu viết Di chúc vào tháng 5/1965, dịp Người 75 tuổi. Từ đó đến năm 1969, trong khoảng 4 năm, Bác nhiều lần bổ sung, sửa chữa rất công phu, thận trọng, nghiền ngẫm sâu sắc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đại tổng kết về lý luận-thực tiễn cách mạng Việt Nam. Mặc dù Bác chỉ khiêm tốn nói là “bức thư” và “mấy lời để lại”, nhưng đó thực sự là một đại tổng kết, tác phẩm vô giá thuộc hàng bảo vật quốc gia, thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh.

Báo cáo viên GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Qua nghiên cứu, tiếp cận các tư liệu liên quan đến bản Di chúc của Bác, có nhiều điểm mới đáng để chúng ta suy nghĩ. Đó là Bác chọn thời điểm tháng sinh nhật để viết Di chúc, thể hiện Người đã lấy sự sống vượt lên cái chết, cho ta thấy bản lĩnh văn hóa của Hồ Chí Minh. Toàn bộ nội dung Di chúc của Bác toát lên tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và trù tính những công việc phải làm sau ngày thắng lợi, đối với Đảng, với Dân. Người minh mẫn, sáng suốt, thể hiện sự thông tuệ, mẫn tiệp của bậc vĩ nhân, luôn làm chủ cuộc sống của mình. Di chúc nhưng chủ yếu là để trù tính những công việc hệ trọng trong tương lai và cả trước mắt, những việc phải làm sau ngày miền Nam giải phóng. Di chúc của Bác cũng cho chúng ta thấy nét đặc sắc về văn phong, phong cách Hồ Chí Minh: Đó là lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Từng câu, từng chữ được Bác cân nhắc, sửa chữa. Lối viết của Người là dùng cái tối thiểu để truyền đạt cái tối đa, mang cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam, đó là “ý tại ngôn ngoại".

Trước khi mất, Bác Hồ đã gửi thư dặn dò nhân dân Nghệ An - quê Bác 3 điều:

(1) Không được để nhân dân bị đói;

(2) Không được để các cháu bỏ học;

(3) Không để được xảy ra mất đoàn kết từ chi bộ từ thôn làng đến cơ quan lãnh đạo ở tỉnh ủy.

Cho đến bây giờ, những điều Bác dặn không chỉ đúng ở Nghệ An mà còn đúng cho các địa phương, nhất là thời điểm chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc. Điều mà Bác luôn gửi gắm tới toàn Đảng: “Giữ gìn đoàn kết trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong những câu cuối cùng của bản Di chúc, Bác đã viết “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Báo cáo viên GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Đối với những đảng viên và người lao động làm việc tại cơ quan lập pháp, GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, việc học tập, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cần đặt biệt quan tâm đến nội dung trong 8 điều yêu sách mà Bác đã gửi đến Hội nghị Vec-xay (Pháp), trong đó Bác đã thay mặt người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài đòi độc lập cho các nước Đông Dương, đòi các quyền tự do cơ bản của con người, quyền được sống, quyền được tự do… Đặc biệt có một điều quan trọng đó là bãi bỏ việc ra các sắc lệnh bằng việc ban hành các đạo luật, đây là mầm mống đầu tiên của tư tưởng dân chủ sau này.

GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, hiện nay có nhiều sự kiện đang diễn ra, mà sự kiện nào cũng giúp chúng ta nhắc nhớ tới Người. Đó là năm 2019 là tròn 100 năm Bác Hồ mang tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 2020 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Pháp và Bác Hồ cũng là người Việt Nam duy nhất là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 2019 là năm kỷ niệm 70 năm thành lập trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bác đã ghi trong sổ vàng truyền thống của trường vào năm 1949 giúp chúng ta thấy rõ tầm nhìn chiến lược của Bác: “Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ, học để phục vụ giai cấp, dân tộc, đoàn thể. Muốn đạt được mục đích đó trước hết phải cần kiệm liêm chính”.

Cũng tại hội nghị, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã chia sẻ về những bài học trong công tác dân vận, giáo dục, đạo đức công chức, kỷ luật công vụ, kiểm soát quyền lực, hình thức xử phạt trong Đảng….

Theo GS.TS Hoàng Chí bảo, những nội dung trong Di chúc của Người đến nay sau nửa thập kỷ vẫn còn tính thời sự, đặc biệt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và XII. Gần đây, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII lần đầu tiên nêu quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là nửa thế kỷ thực hiện 5 lời thề thiêng liêng vĩnh biệt Bác, Đảng và nhân dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích với một cơ đồ đáng tự hào như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn không ít những trăn trở, những việc chưa làm tốt cần phải ra sức khắc phục như mong muốn và lời dặn của Bác. Với mỗi người hiện nay, ai cũng nên thấm nhuần 5 thực hành lớn, tiêu biểu của đời Bác. Đó là: Thực hành lý luận trong thực tiễn; thực hành dân chủ với tinh thần: Không làm điều gì trái ý dân, mọi việc đều hỏi dân, nghe dân, học dân để vì dân; thực hành dân vận; thực hành đoàn kết, đại đoàn kết; thực hành đạo đức cách mạng với 4 chuẩn mực: Cần, kiệm, liêm, chính để: Chí công vô tư.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ cảm ơn GS.TS Hoàng Chí Bảo đã dành thời gian trao đổi về chủ để 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua cuộc trao đổi, đồng chí Nguyễn Đức Thụ đề nghị tất cả cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động trong Văn phòng Quốc hội hiểu sâu sắc, thấm nhuần hơn những nội dung mà báo cáo viên đã trình bày tại hội nghị; đề nghị tất cả đồng chí thực hiện tốt hơn nữa di chúc của Bác trong công việc hàng ngày./.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=41653