[Trải nghiệm] Ozone Gaming Rage 7HX: giá tốt,chơi game tốt

Khá lâu rồi tôi mới lại có dịp được sớ rớ vào mấy chiếc headphone mà mình đam mê, và lần này chiếc headphone tôi sẽ đưa tới cho các bạn trong bài đánh giá là 1 chiếc gaming headphone thực thụ mang tên Ozone Gaming Rage 7HX. Có thể với nhiều người Ozone Gaming là 1 cái tên tương đối lạ lẫm, tuy nhiên thương hiệu này lại khá được ưa chuộng ở nhiều nước châu Âu nhờ vào giá thành phải chăng bên cạnh thiết kế đẹp và hiệu năng vào loại tương đối tốt.

1. Đóng gói và thiết kế của Ozone Gaming Rage 7HX

Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là chiếc hộp đóng gói khá hợp chất game thủ. Tuy không quá cầu kỳ và sang trọng tuy nhiên hướng đến phân khúc giá rẻ – trung bình thì việc thiết kế bìa cạc tông như thế này vẫn được xem là khá hợp lý, không việc gì phải chi phí thêm vào việc không cần thiết. Lấy màu độc đạo là xanh – đen – trắng, 7HX cho tôi cảm giác khá thích thú khi ngắm nhìn từ bên ngoài vỏ hộp.

Những chức năng đặc biệt được khoe ngay trên mặt tiền của vỏ hộp

Vỏ hộp được làm bằng bìa mica để khoe chiếc tai nghe bên trong cùng với cạc tông bóng nhám khá dịu mắt. Thông số trên vỏ hộp in khá chi tiết.

Driver hỗ trợ cả tá ngôn ngữ luôn

Bạn có thấy điều kỳ diệu gì không?

Ấn tượng đầu tiên khi mở hộp đó là … hơi hụt hẫng. Nếu bạn còn nhớ cách đây khá lâu tôi có từng mở hộp 1 gaming headphone là Steelseries Siberia Elite thì đi kèm với nó là cả nùi phụ kiện cực lớn. Nhưng với Ozone Gaming Rage 7HX thì đó chỉ là đĩa driver, một giấy giới thiệu về hãng và 1 sách hướng dẫn sử dụng bên cạnh 1 micro tháo rời đi kèm là phụ kiện tiêu chuẩn của sản phẩm này. Tuy nhiên tôi cũng chưa mong chờ quá nhiều một sản phẩm tập trung vào hiệu năng với giá thành tốt sẽ có thêm … soundcard USB rời.

Phụ kiện chỉ đủ, không thừa, không thiếu

Sản phẩm cầm trên tay khá chắc chắn và nhẹ, có lẽ do cấu tạo phần lớn là nhựa của nó khiến cho Ozone Gaming Rage 7HX rất nhẹ, cầm trên tay không tạo cảm giác là đang “trên tay” một sản phẩm headphone. Theo như tôi hiểu thì có lẽ Ozone Gaming muốn game thủ mang headphone này đi khắp mọi nơi thi đấu nên đã đặc biệt thiết kế tai nghe này bằng nhựa bóng khá nhiều. Nếu bạn lo sợ việc Ozone Gaming Rage 7HX sẽ bị xước thì lời khuyên là bạn nên dán nó lại.

Nhìn chung thiết kế của Ozone Gaming Rage 7HX hướng đến sự hầm hố, với những góc cạnh và rãnh đen trên nền tai nghe màu trắng khá ấn tượng và bắt mắt. Logo của Ozone Gaming cũng được cách điệu trên mặt sau của headphone để bù lấp đi khoảng trống trên lưng housing này. Là tai nghe dạng Over-ear (đeo trên vành tai – khá phổ biến trong giới tai nghe chơi game), phần pad đệm của Ozone Gaming Rage 7HX khá mềm và có lỗ khí, tuy nhiên thiết kế này có cái lợi và hại của nó – tôi sẽ đề cập trong phần sau. Phần cầu nối dài tai nghe có thể kéo – rút khá đơn giản và dễ dàng, tuy nhiên tôi không hiểu tại sao phần tương đối quan trọng này cũng chỉ làm bằng nhựa? Có lẽ đây là điểm mà Ozone Gaming sẽ muốn xem xét lại khi đưa ra bản nâng cấp sản phẩm này.

Phần pad da bóng được đóng dập chữ Ozone khá sắc sảo. Và cũng như thiết kế chung của gaming headphone này, chất liệu pad da cũng không đặc sắc lắm. Phần đệm mút đỡ tai nghe vòng qua đầu người sử dụng dùng chung loại đệm với phần pad. Ozone Gaming Rage 7HX chỉ được thiết kế phần đệm như thế này thay cho cầu đôi với dòng nệm co dãn như những tai nghe cao cấp khác – điều này làm giảm khả năng co dãn đi khá nhiều, tôi vẫn khá lo lắng việc cầu nối dài sử dụng chất liệu nhựa thông thường.

Tuy nhiên phần dây dợ của Ozone Gaming Rage 7HX lại có những điểm khá đáng chú ý, đó là con chuột điều khiển với 4 nút dành cho âm lượng micro – headphone được thiết kế khá chu đáo. Đây là điểm cộng tôi thấy xứng đáng cho việc các kỹ sư của Ozone Gaming đã nghiên cứu thói quen sử dụng của người tiêu dùng. Đoạn dây dài khoảng hơn 1 mét được làm chủ yếu bằng chất liệu dẻo (lại là nhựa – cao su) tuy nhiên ở đoạn này thì tôi nghĩ chỉ đến thế này là đủ.

Đầu USB được mạ vàng tăng khả năng dẫn điện tín hiệu

Tụ chống nhiễu: không nhiều headphone trang bị món này,
nó khá cần thiết nếu bạn thường cắm vào cổng USB trước của PC

Phần micro của Ozone Gaming Rage 7HX được thiết kế có thể tháo rời. Không biết bạn nghĩ sao chứ tôi khá ưng thiết kế này, vì đâu phải ai cũng dùng micro đâu cơ chứ?

2. Trải nghiệm âm thanh

Ở tầm giá này thì có lẽ tôi sẽ không khóa khắt khe về chất lượng chơi nhạc của Ozone Gaming Rage 7HX, tôi sẽ đề cập chủ yếu đến những đặc điểm mà Ozone Gaming Rage 7HX mang lại khi trải qua những thử nghiệm in-game.

Vẫn trải nghiệm qua những tựa game bắn súng. Sở dĩ game bắn súng thường được lấy ra làm phép đo trong những bài trải nghiệm vì đặc trưng nhanh – dồn dập của nó yêu cầu game thủ cần có sự phản xạ nhanh – chính xác. Việc đoán biết phương hướng kẻ địch đang ở đâu là tối quan trọng khi thi đấu. Vì vậy đối với những chiếc gaming headphone – độ chi tiết vẫn là yếu tố đáng được hoan nghênh nhất. Và Ozone Gaming Rage 7HX đã hoàn thành tương đối xuất sắc công việc này. Trải nghiệm ở tựa game Battlefield 4 với map Operation Metro – tôi chọn map này là vì nó có nhiều khu vực hẹp như những đường ngầm dài. Để xem liệu Ozone Gaming Rage 7HX sẽ xử lý ra sao với những khu vực âm thanh như vậy.

Kết quả thu được khá tốt, tiếng bước chân của nhân vật tôi điều khiển cũng như tiếng bước chân lội nước bì bõm vang lại trong hành lang ngập nước khá chi tiết và chính xác. Chuyển sang khu vực chiến trường rộng lớn hơn trên mặt đất. Ozone Gaming Rage 7HX vẫn thể hiện tốt độ chi tiết của mình, tuy nhiên trong khu vực rộng lớn quá mức thì độ chi tiết của Ozone Gaming Rage 7HX bộc lộ rõ giới hạn của nó, tiếng súng vang lên văng vẳng rất khó xác định phương hướng do bị hòa làm 1 với hỗn tạp các loại âm thanh khác như radio, tiêng cơ giới, …. điểm hạn chế này có thể khắc phục bằng cách … sử dụng nhiều – mong là màng loa của Ozone Gaming Rage 7HX sẽ mềm ra để đáp ứng chính xác hơn những gì tôi mong đợi. Tuy nhiên với đặc trưng âm trường hẹp của dòng tai nghe thiết kế close back thì những gì mà Ozone Gaming Rage 7HX thể hiện vẫn là rất tốt.

Âm thanh của Ozone Gaming Rage 7HX nói chung là tương đối sáng sủa, nghe lâu không bị mệt tai. Khả năng cách âm của Ozone Gaming Rage 7HX cũng khá tốt, nếu bạn có thói quen mở âm lượng lớn thì cứ yên tâm là người ngoài khó mà nghe thấy bạn đang nghe gì cũng như là bạn cũng … không nghe thấy họ nói gì luôn. Sang tới game đua xe Split Second – thể loại game sôi động đầy máu lửa, Ozone Gaming Rage 7HX đã đi cùng tôi những giờ phút rất hào hứng và sối động. Thậm chí bạn còn có thể căn ke sao cho xe mình có thể chắn đầu xe của đối phương qua tiếng động cơ gầm rú phía sau – rất thú vị !

Chuyển qua 1 chút âm nhạc. Bản nhạc mà tôi sử dụng để đánh giá tai nghe này là Hotel California và Beast of America – để test đủ thứ âm thanh mà Ozone Gaming Rage 7HX sẽ mang lại. Nhìn chung thì tôi vốn đã không xác định mình sẽ nhận được thuộc dạng quá ấn tượng, tuy nhiên Ozone Gaming Rage 7HX vẫn đáp ứng được tương đối nhiều những gì mà tôi mong muốn ở 1 chiếc tai nghe. Âm thanh khá cân bằng – có lẽ do mới đập hộp và chưa sử dụng màng loa quá nhiều. Lượng bass tương đối nhiều tuy nhiên chưa thực sự có lực và dường như bị đánh theo chiềng “ngang” – tương tự qua tiếng súng không quá đanh thép trong trải nghiệm game. tuy nhiên tôi vẫn khuyến cáo bạn nên đem về burn-in khoảng 50 – 100 giờ chơi game, nghe nhạc sẽ có sự cản thiện tương đối.

Nhìn khá ngầu đấy chứ? A, kia không phải tôi nhé

Về độ thoải mái, như tôi đã nói ở phần thiết kế của headphone này, phần pad tuy mềm mại nhưng có những cái lợi và hại của riêng nó. Được thiết kế với độ dãn thấp nên vành pad được đóng rộng để phù hợp với nhiều kiểu dáng tai khác nhau khiến cho khoảng cách tiếp xúc tới tai khá xa – tạo khoảng “loãng” trong âm thanh trên chiến trường. Tuy nhiên điều này vô hình chung lại khiến cho cảm giác sử dụng tai nghe không bị quá bí bách và dễ chịu – điều mà tôi nghĩ sẽ chấm điểm cộng thay vì điểm trừ cho Ozone Gaming Rage 7HX. Kiểu tai nghe over-ear buộc bạn phải đeo trên vành tai khá nóng khi sử dụng lâu, và đúng là sau khoảng hơn 1 giờ sử dụng liên tục Ozone Gaming Rage 7HX thì tôi thấy vành tai mình khá nóng, may mà Ozone Gaming đã lường trước điều này và thiết kế cho 7HX chất liệu nhựa – các kỹ sư đã có sự tính toán cả.

3. Kết luận

Với giá thành tương đối rẻ, Ozone Gaming Rage 7HX sẽ thích hợp nếu bạn là game thủ thích di chuyển nhiều. Chơi game và xem phim sẽ khá thú vị với Ozone Gaming Rage 7HX. Hoặc nếu không quá khó tính trong cách thường thức âm nhạc, tôi nghĩ Ozone Gaming Rage 7HX vẫn hoàn toàn xứng đáng để bạn tậu về giải trí sau nhiều giờ “chơi game căng thẳng” Xin cám ơn Hydro Gaming Gear Shop đã tài trợ sản phẩm cho chúng tôi trong buổi trải nghiệm này.

Bạn muốn chúng tôi review chi tiết 1 sản phẩm công nghệ cao ? Hãy gửi mail tới hòm thư hitech@game4v.com và cho chúng tôi biết sản phẩm nào bạn đang quan tâm nhé!

Nguồn Game4V: http://game4v.com/home/10484/trai-nghiem-ozone-gaming-rage-7hx-gia-totchoi-game-tot.g4v