Tổng thống Nga thăm Trung Quốc: Giữ truyền thống, rộng tương lai
Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc ngay sau khi tái cử phản ánh mối quan hệ ngày một khăng khít giữa hai cường quốc này.
Ngày 16-17/5, nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức cấp Nhà nước tới Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Putin sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, thảo luận về “hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực…”.
Còn theo Bộ Ngoại giao Nga, hai bên sẽ “vạch ra ưu tiên cho hợp tác song phương thực chất, trao đổi sâu về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm”. Ông Putin và ông Tập cũng sẽ ký một tuyên bố chung và văn bản liên quan, dự gala kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và lễ khai mạc Năm Văn hóa Nga-Trung 2024-2025 ở Cáp Nhĩ Tân.
Truyền thống đặc biệt
Chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều chuyển biến khó lường. Tình hình tại Ukraine vẫn căng thẳng. Xung đột Israel-Hamas thêm “nóng” sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bắt đầu tấn công Rafah, địa điểm then chốt cho hoạt động cứu trợ người Palestine. Ở bên kia Đại Tây Dương, Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống trong khi vấn đề Eo biển Đài Loan và Biển Đỏ chưa hạ nhiệt còn Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh như thế, ông Putin sẽ có cuộc gặp lần thứ 43 với ông Tập. Đây cũng là lần thứ 19 Tổng thống Nga thăm Trung Quốc mà lần gần nhất cách đây chỉ 6 tháng. Quan trọng hơn, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi tái cử Tổng thống một tuần trước. Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình từng hành động tương tự. Hơn một năm về trước, sau khi tái cử vị trí Chủ tịch nước, ông Tập đã chọn Moscow làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Ông Wang Yiwei, Giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân (Trung Quốc), cho rằng, việc lãnh đạo hai nước thăm nhau trong chuyến công du đầu tiên của nhiệm kỳ mới “đã trở thành truyền thống”. Cùng những cái “đầu tiên” Nga và Trung Quốc dành cho nhau, cho thấy chỉ dấu của một mối quan hệ ngày càng khăng khít.
Tương lai “không giới hạn”
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin, gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội để hai bên duy trì, thúc đẩy hợp tác “không giới hạn” trên mọi lĩnh vực. Trong đó, kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, theo sau là Ấn Độ. Năm 2023, kim ngạch song phương đạt 240,1 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm trước và vượt mục tiêu 200 tỷ USD trước thời hạn.
Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm, Tổng thống Nga nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc trong quan hệ thương mại “phản ánh sự vững vàng trước thách thức và khủng hoảng bên ngoài”. Hai bên đang phát triển một cách có hệ thống hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng. Nông sản Nga như lúa mỳ, bột mỳ, dầu hạt, thịt, cá đang tiến vào thị trường Trung Quốc, đầu tư vào sản xuất tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.
Nga và Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác trong công nghệ cao, không gian, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Đơn cử, xuất khẩu bán dẫn từ Trung Quốc sang Nga tăng từ 157 triệu USD (2021) lên 230 triệu USD (2023); xuất khẩu máy móc chế tạo bán dẫn tăng từ 3,5 triệu USD (2021) lên 180 triệu USD (2023). Theo Bloomberg (Mỹ), trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận một thỏa thuận mới về cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, mở đường cho các cơ chế hợp tác kinh tế hiệu quả hơn trước áp lực từ phương Tây. Trên cơ sở đó, Tổng thống Putin khẳng định song phương đang “thúc đẩy sự thịnh vượng chung thông qua hợp tác công bằng, cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa”.
Vấn đề cùng quan tâm
Song không vì thế mà hai bên sẽ bỏ qua các vấn đề khu vực, quốc tế nóng hiện nay. Xung đột tại Ukraine chắc chắn sẽ được hai bên đề cập. Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Nga đánh giá tích cực về “cách tiếp cận của Trung Quốc trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine".
Quan hệ với Mỹ cũng có thể được hai nhà lãnh đạo trao đổi trong chuyến thăm. Mặc dù quan hệ song phương đã có dấu hiệu ấm lên, song Mỹ vẫn duy trì áp lực với Trung Quốc, thể hiện rõ qua chính sách áp thuế 100% với xe điện của Trung Quốc. Mỹ cũng đưa 20 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vào danh sách trừng phạt vì “tạo điều kiện để Nga tiếp cận công nghệ và thiết bị cần thiết từ nước ngoài”…
Trong bối cảnh đó, hội đàm là cơ hội để lãnh đạo Nga-Trung trao đổi, tìm phương hướng để vượt qua hàng loạt thách thức do Mỹ và phương Tây đang tạo ra. Hai bên cũng có thể trao đổi về xung đột Israel-Hamas, vấn đề eo biển Đài Loan, Biển Đỏ, v.v.
Việc lãnh đạo Nga-Trung có thể hội đàm thẳng thắn về hợp tác kinh tế, cùng nhiều vấn đề khu vực và quốc tế nóng hiện nay trên toàn cầu sẽ duy trì, góp phần mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, “không giới hạn” trước sự xoay vần của thời cuộc.