Thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt, cau tươi tăng giá kỷ lục
Sau khi tạm dừng mua cau non, thương lái Trung Quốc tiến hành lùng sục mua cau tươi với mức giá 22.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với mùa vụ năm ngoái.
Sức mua “khủng”
Nhiều tháng nay, từ đầu chợ đến các con hẻm tại huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) nơi được mệnh danh là “xứ ngàn cau” người dân đều bàn tán quanh câu chuyện cau trúng giá. Người dân địa phương phấn khởi khi mùa cau năm nay trúng giá. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra e ngại, lo lắng trước động thái thu mua cau non, cau tươi với giá cao kỷ lục một cách ồ ạt của thương lái Trung Quốc. Bởi theo họ, những câu chuyện mua nông sản ồ ạt rồi “đem con bỏ chợ” vẫn còn đó những bài học nhãn tiền.
Bà Đinh Thị Linh (thôn Đắk Trên, xã Sơn Dung) cho biết, vào đầu mua thu hoạch cau, bắt đầu từ tháng Tám vừa qua, giá cau bất ngờ tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Cụ thể, giá thu mua cau tươi đầu mùa năm ngoái chỉ vào khoảng 13.000-15.000 đồng/kg, năm nay, giá thu mua tăng vọt lên từ 19.000 - 22.000 đồng/kg. Vào khoảng giữa tháng Chín vừa qua, giá cau đạt kỷ lục 27.000 đồng/kg.
Hiện, giá cau tươi trung bình khoảng 22.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng so với giá cao nhất năm ngoái. Với sản lượng mỗi cây cho từ 5 – 10 kg quả/ mùa vụ, gần 200 cây cau đem lại cho bà Linh khoảng 20 triệu đồng.
Ghi nhận thực tế, PV nhận thấy, trên các ngả đường của huyện miền núi Sơn Tây, đi đâu cũng bắt gặp các điểm thu mua và xe chở cau của thương lái. Theo các thương lái, do ảnh hưởng của thời tiết và diện tích cau giảm từ năm trước, thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên giá cau tăng cao kỷ lục.
“Trước đây, thị trường Trung Quốc rất kén, họ chỉ mua cau đạt chuẩn. Năm nay lại khác, ngay đầu vụ, các thương lái Trung Quốc đã lùng sục, tiến hành thu mua. Đầu tiên, họ thu mua cau non với mức giá kỷ lục. Sau khi vừa tạm ngừng mua cau non, họ lại chuyển sang mua cau tươi. Không chỉ người dân, những thương lái như chúng tôi cũng kiếm ăn được nhờ sức mua khủng của thị trường Trung Quốc”, bà Huệ, một nữ thương lái tiết lộ.
Được giá vẫn lo lắng
Cũng theo nữ thương lái này, “xứ ngàn cau” trúng giá nhưng vẫn còn đó những nỗi lo. Bởi, cau là cây trồng truyền thống ở huyện Sơn Tây. Hầu như gia đình nào cũng trồng với số lượng từ hàng trăm đến hàng nghìn gốc.
Mùa cau năm nay được giá, các hộ thu nhập từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giá cau lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Do đó, chỉ cần thị trường ngừng mua, việc tiêu thụ khó khăn con số thiệt hại hàng tỷ đồng sẽ hiển hiện trước mắt người dân và thương lái Việt.
Những rủi ro từ thị trường của Trung Quốc đã nhiều lần diễn ra, khiến nông dân và thương lái trong nước thiệt hại nặng nề.
Cau trúng giá, nhưng lãnh đạo huyện tỏ ra dè dặt với cây trồng này. Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 800ha cau, giảm 200ha so với năm ngoái. “Hiện, đầu ra cây cau phụ thuộc hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Năm nào họ không mua hoặc mất giá thì người dân chặt bỏ cau để chuyển sang cây trồng khác. Năm nay, giá cau tăng kỷ lục, rất có thể người dân sẽ đồng loạt quay lại trồng cau một cách ồ ạt. Chủ trương của huyện là giữ nguyên diện tích hiện hữu, không thu hẹp cũng như mở rộng diện tích”, ông Tùng nói.