Quảng Trị: Đảm bảo an toàn cho người dân, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị chủ đầu tư, quản lý sử dụng các công trình trên địa bàn khẩn trương thực hiện các nội dung về việc đảm bảo an toàn, phòng ngừa và hạn chế các sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2024.
Theo đó, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão; tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề ra, chỉ huy lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, ứng phó hiệu quả với bão, lũ, lụt xảy ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với địa phương theo 4 tài liệu hướng dẫn đã được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị và trang Thông tin điện tử Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị về hướng dẫn nhà an toàn phòng, chống bão lũ; hướng dẫn phân loại nhà an toàn; khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; quy trình kiểm định các công trình anten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình.
Chủ động kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu mất an toàn các công sở làm việc, đặc biệt là các cấu kiện trên cao. Khi phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành các công trình: Tháp (trụ) viễn thông, truyền hình khẩn trương thực hiện báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng theo phân cấp công trình, thời gian đưa vào sử dụng và vị trí xây dựng, đặc biệt các công trình ở vị trí xung yếu. Thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa, khắc phục các tồn tại (nếu có); lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình sớm phát hiện các nguy cơ, làm tốt công tác bảo trì năm 2024 và các năm tiếp theo.
Về công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện việc rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu của những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sụt lún đất, sạt lở đất, nước dâng, xâm nhập mặn.
Xác định mức độ ảnh hưởng của tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân. Cảnh báo và chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng bởi bão mạnh, siêu bão, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa.
Tại những công trình đang thi công xây dựng, các chủ đầu tư công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc đơn vị thi công chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình đang thi công xây dựng, công trình lân cận, đặc biệt đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng, dàn giáo bao che và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão…
Các công trình hồ đập: Rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đập trước mùa mưa bão. Kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm bảo đảm an toàn cho hạ du.
Có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết. Bố trí cảnh báo khu vực nguy hiểm tại những vị trí xung quanh công trình có nguy cơ mất an toàn. Tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không bảo đảm an toàn khi có mưa bão…