Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương
Chiều 14/5, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp.
Tham gia đoàn công tác có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Tại huyện Hoa Lư, đoàn đã đi thị sát tuyến đê tả sông Vó (đoạn từ trạm bơm Chấn Lữ đến cầu Vó trên Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình). Tuyến đê này có chiều dài khoảng 1.700 m, mặt đê rộng 4m, cao trình +2,5m. Hiện trạng lòng sông qua nhiều năm đã bị bồi lắng, dòng chảy thu hẹp, thường xuyên bị ách tắc do bèo, cây cối, một số công trình tự phát của các hộ dân và bờ vây phục vụ thi công các công trình cầu, khi kết thúc chưa thực hiện thanh thải hoàn trả lòng sông. Việc này dẫn đến không đảm bảo tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão, không đảm bảo hoạt động tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Trước mắt, UBND huyện Hoa Lư đang giao xã Ninh Vân chủ động khơi thông dòng chảy, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng chống tràn, đảm bảo an toàn cho tuyến đê. Tuy nhiên, về lâu dài, để phục vụ tốt hơn cho việc tiêu thoát lũ và sản xuất nông nghiệp, tuyến sông này cần được nạo vét, thanh thải, hoàn thiện cao trình thân đê đạt cao trình chống lũ +3,2m, đổ kết cấu mặt đê bằng bê tông xi măng.
Tại thành phố Tam Điệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện "4 tại chỗ" phục vụ phòng, chống thiên tai tại xã Yên Sơn và tình hình xử lý cấp bách đê và xây dựng cống điều tiết nước trên tuyến đê sông Bến Đang (đoạn từ đầu đê bao thôn Nguyễn, xã Yên Sơn đến giáp ranh địa phận xã Sơn Hà, huyện Nho Quan).
Đoạn đê có chiều dài 400m, mặt đê có nhiều vị trí bị lún, lõm, mái đê có nhiều vị trí bị sạt lở, trên đê có 2 vị trí dự kiến đặt cống đã hạ thấp hơn mặt đê với kích thước 5x2m, nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, kênh dẫn nước chạy dọc mái taluy phía bên trong chân đê đã bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, thường gây ngập úng khoảng 60 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Yên Sơn vào mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê trước mùa mưa bão năm nay, địa phương đã xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng phó. Thành phố Tam Điệp cũng kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt triển khai kè gia cố tuyến đê kết hợp bê tông hóa mặt đê; nạo vét kênh dẫn nước chạy dọc mái taluy phía bên trong chân đê; xây dựng các cống điều tiết nước.
Tại huyện Nho Quan, đoàn công tác đi thị sát và nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình trạng rò rỉ nước tại hồ Đập Trời (xã Quảng Lạc) và các phương án bảo vệ trước mắt cũng như xử lý lâu dài sau này; kiểm tra thực tế tuyến đê bối Đức Long đoạn qua thôn Phú Cường, xã Đức Long. Theo đó, đoạn đê bối Đức Long có chiều dài hơn 1km, nhưng cao trình mặt đê lại thấp hơn so với toàn tuyến nên thường xuyên bị nước lũ tràn qua, ảnh hưởng đến đời sống của 150 hộ dân trong vùng. Do vậy, nhân dân rất mong muốn tỉnh sớm có dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê bối này để nâng cao khả năng chống lũ, tránh tình trạng ngập lụt mỗi khi mùa mưa bão về.
Đoàn công tác kiểm tra công trình thủy lợi hồ Đập Trời (xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan).
Tiếp đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện "4 tại chỗ" phục vụ phòng, chống thiên tai tại huyện Gia Viễn. Theo đó, là trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, huyện Gia Viễn đã sớm xây dựng và phê duyệt các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, tổ chức hiệp đồng với lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia vào công tác này; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ".
Cũng tại huyện Gia Viễn, đoàn công tác đã khảo sát thực trạng tuyến đê tả sông Hoàng Long đoạn qua xã Liên Sơn và xã Gia Phú. Đoạn đê này mái kè đã bị sạt lở, bong tróc, vị trí đê uốn cong bị xói vào, phía trong đồng chưa có cơ đê.
Đoàn kiểm tra tại xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn.
Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo của các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn và đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các cấp, các ngành, địa phương trong việc xây dựng phương án, bảo đảm an toàn đê, kè, cống, phòng chống sạt lở, ngập úng,... từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm nay.
Qua thị sát, nắm bắt thực tế tại các điểm xung yếu phòng, chống lụt bão, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác ghi nhận hiện trạng, những đề xuất, kiến nghị của các địa phương và giao cho các cơ quan có liên quan rà soát, tham mưu, báo cáo tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, chỉ cần sơ suất nhỏ, chủ quan, bị động có thể dẫn đến thiệt hại khôn lường về tính mạng và tài sản của nhân dân. Do vậy, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", huy động sức mạnh của toàn dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai...
Trước mắt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm vận hành an toàn các công trình; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai; xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu. Trong phương án phải thể hiện được các tình huống sự cố, biện pháp xử lý, việc phối hợp giữa các lực lượng... đảm bảo an toàn cho các công trình và đời sống của nhân dân trong mùa mưa lũ.