Cử tri và đại biểu Quốc hội mong đợi gì ở phiên chất vấn?
Cử tri và đại biểu Quốc hội mong đợi các phiên chất vấn thực sự thẳng thắn, không né tránh những vấn đề mà người dân đang quan tâm cần được giải đáp.
Theo chương trình kỳ họp thứ 4, từ ngày 16-18/11, Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ, hai Bộ trưởng: Tài Chính, Thông tin & Truyền thông cùng Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn này, nhiều đại biểu Quốc hội đều mong muốn các thành viên Chính phủ và Quốc hội làm rõ, đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà người dân quan tâm.
Qua chất vấn, sẽ làm rõ năng lực của Quốc hội
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chất vấn trong phiên họp toàn thể của Quốc hội là hình thức giám sát tối cao. Cùng với sự hỗ trợ của truyền thông, phiên chất vấn sẽ tác động rất mạnh mẽ đến người dân.
Người dân không chỉ theo dõi những việc làm của Chính phủ mà còn cả năng lực của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thông qua cách đặt câu hỏi, trao đổi và tranh luận.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai)
Những vấn đề xã hội, đời sống dân sinh rất đa dạng, phong phú đều được người dân quan tâm và mong muốn Quốc hội làm rõ như: các dự án BOT, hàng giả-hàng thật, an toàn thực phẩm...
Khi các thành viên Chính phủ và Quốc hội làm rõ những vấn đề mà người dân quan tâm, lo lắng chính là nâng cao trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ, phiên chất vấn nào cũng “nóng” nhưng phải làm sao để các đại biểu Quốc hội cùng với Chính phủ quan tâm đến những vấn đề mà người dân đề xuất, góp ý trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong phiên chất vấn, đại biểu Trần Hoàng Ngân quan tâm đến ngân sách Nhà nước, làm sao đảm bảo và giải quyết được vấn đề nợ công. Trong khi bộ máy hành chính của nước ta vẫn còn khá cồng kềnh nên cần phải tinh gọn bộ máy, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị.
Là đại biểu Quốc hội TP HCM, tôi nhận thấy, trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, TP HCM đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM)
Tuy nhiên, do mật độ dân số ngày càng tăng nên dẫn tới sự quá tải về giao thông, kết cấu hạ tầng trường học, y tế... Thành phố thường xuyên bị tác động rất lớn bởi biến đổi khí hậu nên nhiều tuyến đường phố thường xuyên bị ngập nước.
“Tôi mong rằng, các ban ngành cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, nên giao việc phân cấp, phân quyền, quyền tự chủ cho HĐND TP HCM được quyền quyết định khi điều chỉnh việc sử dụng 10 hecta đất lúa trở lên”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Cần một tinh thần thẳng thắn, không né tránh
Mong muốn trong phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội mạnh dạn nói lên được những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, bức xúc với một tinh thần thẳng thắn, không né tránh. Đó là ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội).
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội)
Với các Bộ trưởng, tư lệnh ngành khi trả lời chất vấn cần trả lời trực tiếp vào những câu hỏi mà cử tri mong muốn nhất. Đó là đưa ra những giải pháp, chương trình hành động để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực với một tinh thần trách nhiệm.
Trong phiên chất vấn này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặc biệt quan tâm đến hoạt động xét xử, chất lượng xét xử của tòa án và khả năng thi hành của bản án. Đây là vấn đề chúng ta cần thực hiện tốt đã được đề cập trong Hiến pháp năm 2013 để đảm bảo công bằng, quyền lợi của người dân mà tòa án là biểu tượng của công lý, công bằng./.
Bích Lan/VOV.VN