Con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn kể về nàng thơ một thuở của cha mình
Nhân dịp đêm nhạc Thiên Thai với những tuyệt phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã hé lộ những giai thoại về cha mình.
Văn Cao (1923 - 1995) và Đoàn Chuẩn - Từ Linh (1924 - 2001) có cùng giai đoạn sáng tác, và có những sáng tác bất hủ từ 1939 - 1970. Nhưng so với Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh sáng tác ít hơn, chỉ có một dòng nhạc tình với khoảng hơn 20 bài.
Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Có người cho rằng, Từ Linh là người bạn tri kỷ của Đoàn Chuẩn, người viết nhạc, người viết lời và ký tên chung.
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác. Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. Trong những tác phẩm âm nhạc ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh, từ giai điệu cho đến lời ca, là cả một sự gắn bó khăng khít không thể tách bạch được.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đoàn Đính - con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - chia sẻ: “Người ta nói bài Tình nghệ sĩ năm 1948 là sáng tác đầu tay của Đoàn Chuẩn nhưng không phải thế. Sáng tác đầu tay của bố tôi là Ánh trăng mùa thu, sáng tác năm 1947, chỉ in hai mươi bản, tác giả giữ bản quyền không tái bản. Năm ấy ông đã lấy bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh rồi. Bài Đường về Việt Bắc viết cho mẹ tôi cũng đề Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Làm sao có ai lại nhờ người khác viết hộ lòng nhớ thương vợ mình, nhất là trong đó có những cái rất riêng như “Những chiều gió thu qua mành the, thầm nhắc anh về”. Một lần, nhạc sĩ Guitar Văn Vượng có nói với tôi: Đính ơi, bố em nói với anh, “Từ Linh” là tên đầu tên cuối của chữ Thanh Hằng (T-H). Thanh Hằng là người con gái ông yêu sâu đậm, có thể ông đã dùng cách đó hợp thức hóa tên người yêu. Những chuyện đó bố tôi không nói với tôi. Nhưng dù sao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh đã là cái tên rất đẹp rồi, mọi người đừng đi sâu tìm Đoàn Chuẩn là ai, Từ Linh là ai nữa. Bố chỉ nói với chúng tôi: Các con ạ, tất cả sáng tác của bố là nhật ký tình yêu của bố”.
Nhắc đến Thanh Hằng, nàng thơ một thuở của cha mình, Đoàn Đính không tiếc kể thêm hai giai thoại gắn liền hình ảnh người đẹp này với các sáng tác của cha ông. “Cha tôi yêu mẹ tôi và sống với bà cả đời, nhưng chỉ viết cho bà hai bài hát, trong khi ông yêu một ca sĩ nổi danh xinh đẹp Hà thành lúc đó tên là Thanh Hằng và viết đến 6 bài hát tặng nàng. Mẹ tôi hay chuyện đang ở Hải Phòng lập tức đi ôtô lên Hà Nội. Ai cũng tưởng sẽ có cuộc đánh ghen lớn, nào ngờ mẹ tôi nhẹ nhàng hỏi: “Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?”. Thanh Hằng trả lời rằng có. Bà nói tiếp: “Em yêu anh Chuẩn 1 thì chị yêu anh Chuẩn 10, chị sẵn sàng nhường anh Chuẩn cho em, Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt sáu đứa con của anh ấy nhé”. Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng trả mẹ tôi tất cả thư từ của hai người và xé những bài hát cha tôi tặng. Vì thế cha tôi mới viết tác phẩm Bài ca bị xé. Sau này được tin Thanh Hằng đi lấy chồng, cha tôi viết và gửi cho bà ấy ca khúc Lá đổ muôn chiều. Nhận được bài hát của cha tôi, bà ấy khóc không đi lấy chồng nữa”.
Đoàn Đính còn kể cha ông là tay chơi Bắc Kỳ có hạng, trong nhà có sáu ô tô, trước cửa có cây xăng riêng để phục vụ ông. Trong nhà, ông thuê thợ xây một phòng riêng thả đầy bóng bay lên trần, quả nào xì hơi bắt người nhà đi mua thả bù làm phòng tiếp bạn bè. Khách đến thoải mái uống rượu ngoại, ăn hoa quả…