Có nên dùng ngân sách xử lý nợ xấu?

Trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, một lần nữa lại đề xuất dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, dự kiến trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, dùng ngân sách không hẳn là mấu chốt giải quyết triệt để nợ xấu, quan trọng là cơ chế chính sách tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quá trình xử lý này.

Nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo ban soạn thảo, nợ xấu đã được xử lý một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn chậm. Do đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải cắt giảm tỉ lệ nợ xấu một cách bền vững, thông qua việc sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan đến thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của NH, đặc biệt các NH được kiểm soát đặc biệt.

Thay vì dùng “tiền tươi” từ ngân sách để xử lý nợ xấu, các chuyên gia đề nghị nên dùng cơ chế, chính sách như miễn, giảm thuế thu nhập, thuế GTGT… nhằm giúp doanh nghiệp, ngân hàng vượt qua khó khăn, giải quyết được nợ xấu Ảnh: Tấn Thạnh

Thống kê gần nhất được NHNN công bố, đến cuối tháng 6-2016, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5-2016.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm đã ảnh hưởng đến quá trình giảm lãi suất cho vay của ngành NH. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm của hệ thống là 59.700 tỉ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ khách hàng trả nợ gần 31.000 tỉ đồng, con số nợ xấu bán cho VAMC chỉ đạt 8.880 tỉ đồng. Trong khi đó, ở “kho” chứa nợ xấu là VAMC, tính đến cuối tháng 6-2016 mới xử lý được 32.400 tỉ đồng trong tổng số 241.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua, đạt tỉ lệ 13,4%.

Đại diện NHNN cho rằng quá trình xử lý nợ xấu của VAMC cũng như các tổ chức tín dụng thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu. Quá trình xét xử, thi hành án kéo dài làm việc xử lý nợ xấu chậm. Theo nhiều chuyên gia tài chính, quá trình xử lý nợ xấu hiện chưa triệt để do cả NH thương mại và VAMC hiện chỉ giải quyết được một phần. Các NH thương mại trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC nhưng thực chất các khoản nợ xấu vẫn còn nằm trong “kho” của tổ chức này.

Nhiều ý kiến trái chiều

Trước tình hình nợ xấu chưa được xử lý triệt để, đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu đã được đưa ra nhưng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM băn khoăn dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì sẽ lấy từ đâu? Chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển đều không hợp lý. “Không thể lấy tiền thuế của dân là “tiền tươi” để xử lý các khoản nợ xấu nhưng ngân sách ở đây có thể là các cơ chế chính sách như miễn giảm thuế, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có nợ xấu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thủ tục chuyển nhượng đất đai” - vị này đề xuất.

Lãnh đạo một NH cổ phần quy mô lớn cho rằng không thể lấy ngân sách một cách thuần túy để xử lý những khoản nợ xấu do sai lầm trong quản lý tín dụng của NH thương mại. Mà theo thông tin ông có được, dùng ngân sách xử lý nợ xấu được hiểu là những khoản nợ xấu phát sinh từ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước vay NH thương mại có bảo lãnh của các địa phương, Chính phủ. Cụ thể, những khoản nợ nào do các bộ - ngành, địa phương, Chính phủ bảo lãnh trước đây nay thành nợ xấu, có thể dùng một phần ngân sách xử lý để tháo gỡ khó khăn cho NH thương mại. Thế nhưng, món nào ra món đó và không thể đánh đồng khoản nợ xấu nào ngân sách cũng phải đứng ra gánh.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và bội chi tăng thì cái “lấn cấn” từ nhiều năm nay là tiền ngân sách ở đâu để mua nợ xấu là dễ hiểu. Nhưng thực tế, có rất nhiều nguồn vốn mua nợ xấu Việt Nam có thể dựa vào, nhất là từ các tổ chức tài chính nước ngoài sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề nợ xấu. Muốn vậy, các khoản nợ xấu bán cho VAMC phải dựa trên 3 cơ sở là bán theo giá thị trường (thay vì giá trị sổ sách). Chẳng hạn, một khoản nợ trên sổ sách của NH là 100 đồng nhưng giá thị trường hiện chỉ còn 20 đồng thì NH cũng cần phải “dứt khoát” bán và chịu lỗ 80 đồng; đổi lại, bảng cân đối tài chính sẽ sạch nợ xấu. VAMC cũng cần mua nợ bằng “tiền tươi thóc thật”, trả bằng trái phiếu có bảo lãnh của NHNN. Đặc biệt, tổ chức xử lý nợ này có thể triển khai hình thức “mua đứt bán đoạn”, có toàn quyền quyết định đối với tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu.

Mới đây, NHNN cũng đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các bộ liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho VAMC nhưng các kiến nghị này liên quan đến nhiều văn bản pháp lý nên cần thời gian để nghiên cứu, xử lý. Nợ xấu chủ yếu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản nên khi thị trường bất động sản phục hồi còn chậm thì việc phát mại, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu. Do đó, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số kiến nghị cụ thể liên quan đến quy định tại Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự…

Ý KIẾN

TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:

Không hẳn là tiền, phải gỡ các “điểm nghẽn”

Trên thế giới, nhiều nước cũng từng dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nhưng phải mua bán theo giá thị trường. Có điều, những “điểm nghẽn” trong xử lý nợ xấu ở Việt Nam lại không hẳn nằm ở thiếu nguồn tiền. Hiện các quy định về xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản trong các luật hiện nay vẫn chưa gỡ được khúc mắc là dù NH bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường nhưng tài sản thế chấp vẫn do NH quản lý. Hình thức này giống như VAMC mua nợ theo dạng tín chấp nên rất khó xử lý dứt điểm. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức tài chính quốc tế quan tâm muốn mua nợ xấu nhưng mua xong NH vẫn quản lý tài sản thế chấp là không ổn. Thực chất, chỉ cần gỡ những cơ chế chính sách chưa hợp lý này, quá trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia NH:

Dùng tiền ngân sách phải minh bạch

Mấy năm nay, hệ thống NH tự xử lý nợ xấu, bán nợ cho VAMC nhưng chưa thực chất và chưa giải quyết triệt để nên “cục máu đông” này vẫn dai dẳng gây ảnh hưởng đến cả hệ thống NH, nền kinh tế và doanh nghiệp. Do đó, đề xuất dùng tiền ngân sách xử lý triệt để không hẳn là không hợp lý nhưng quan trọng là quá trình thực hiện phải rõ ràng, minh bạch để tránh tiêu cực.

Tiền ngân sách cũng không hẳn là “tiền tươi” mà có thể các chính sách miễn giảm thuế GTGT khi bán tài sản thế chấp, giảm thuế cho doanh nghiệp đang có nợ xấu… Nếu không xử lý dứt điểm mà cứ để NH, doanh nghiệp “dặt dẹo” vì nợ xấu sẽ càng làm nền kinh tế không bật lên được.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH:

Quan trọng vẫn là cách làm

Để nhanh chóng xử lý những khoản nợ VAMC đã mua, Việt Nam cần sớm có thị trường mua bán nợ (thay vì thị trường này hiện chỉ có 4 đơn vị là VAMC, Công ty Xử lý nợ và tài sản tồn đọng DATC của Bộ Tài chính, các công ty quản lý tài sản của NH thương mại (AMC) và các NH thương mại). Thị trường mua bán nợ xấu sẽ cho phép cả nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Không hẳn cần nhiều tiền ngân sách bỏ ra mua nợ xấu, mà quan trọng là cách làm.

Linh Anh ghi

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/co-nen-dung-ngan-sach-xu-ly-no-xau-20160910215345047.htm