Chủ nhiệm UBKT: 'Đặc khu' xin cơ chế chứ không xin tiền
Chiều ngày 2-11, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế về cơ chế cho 3 'đặc khu' Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Ông Thanh từng là Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, một trong nhiều lãnh đạo của tỉnh có nhiều tâm huyết với việc xây dựng “đặc khu” Vân Đồn tại tỉnh này...
Hồi tố chính sách mới cho nhà đầu tư cũ?
. Thưa ông, dự Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội bàn thảo vào ngày 10-11 tới sẽ có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư mới. Vậy các nhà đầu tư cũ, đã đầu tư vào 3 "đặc khu" Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc có được hưởng các chính sách này không? Quyền lợi của họ được xử lý thế nào, có được hồi tố không?
+ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Ủy ban Pháp Luật là cơ quan thẩm tra chính dự luật này, UBKT cũng được UBTVQH giao cùng tham gia thẩm tra. Đây là vướng mắc của dự luật, và đã được bản thảo. Những nhà đầu tư mới thì đương nhiên được hưởng chính sách mới. Còn việc xử lý, giải quyết quyền lợi của các nhà đầu tư cũ – gọi là hồi tố giữa chính sách ưu đãi mới sau khi luật được ban hành, thì cần phải được giải quyết để đảm bảo điều kiện họ tiếp tục thực hiện đầu tư, làm ăn như trước.
.Vậy quan điểm của Ủy ban Kinh tế về việc tháo gút mắc này như thế nào? Ba “đặc khu” Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc có bị vướng chuyện này không?
+ Theo quan điểm của tôi, để giải quyết gút mắc này thì phải chọn được cái gì ưu tiên (đầu tư vào 3 “đặc khu” – PV) thì mình cho chế độ ưu tiên. Còn những lĩnh vực, dự án không nằm trong đối tượng ưu tiên thì có lẽ không nên ưu tiên trong chính sách mới.
Rất may cho Vân Đồn trước đây chúng tôi đã thống nhất phải chờ có khu hành chính kinh tế đặc biệt nên dừng cấp các dự án, giữ được nét hoang sơ cho nơi đây. Gần như những dự án ở ngoài Vân Đồn chỉ là dự án du lịch.
Còn Bắc Vân Phong cũng giống như Vân Đồn, thậm chí Bắc Vân Phong còn hoang sơ hơn, không có vấn đề gì. Riêng Phú Quốc có rất nhiều nhà đầu tư, có rất nhiều dự án đang triển khai ở đây sẽ khó khăn hơn hai khu Bắc Văn Phong và Vân Đồn.
“Đặc khu” cần tiền hay cơ chế?
.Đầu tư nguồn vốn cho các “đặc khu” rất lớn, như Vân Đồn dự kiến lên đến hơn 13 tỷ USD, vậy lấy đâu ra ngân sách để phân bổ cho Vân Đồn phát triển?
+ Ở địa phương khác chúng tôi chưa làm việc, chúng tôi chưa biết, còn ở Quảng Ninh tinh thần là xin cơ chế, chứ không xin kinh phí. Có cơ chế thì sẽ tạo ra nguồn lực, động lực phát triển khu hành chính đặc biệt Vân Đồn. Cho nên tỉnh Quảng Ninh trong dự thảo một năm ưu tiên 1.500 tỷ từ nguồn của tỉnh Quảng Ninh cho phát triển khu hành chính – kinh tế đặc biệt.
Nhu cầu đầu tư rất lớn, tinh thần của tỉnh Quảng Ninh là xin cơ chế và cũng bố trí nguồn lực. Những nguồn vốn của ngân sách cũng có thể đưa vào đó để tạo vốn mồi để thu hút các nguồn lực. Thực tế trong thời gian qua theo thống kê một đồng vốn của ngân sách tỉnh Quảng Ninh đưa vào thì thu hút gần 10 đồng vốn của các nhà đầu tư. Với tinh thần như thế hi vọng đối tác công tư sẽ đầu tư vào đây.
.Được biết, tỉnh Quảng Ninh có đề xuất thay vì nộp thuế Trung ương thì được giữ lại một phần để làm vốn đối ứng đầu tư vào Vân Đồn, theo ông phương án đó có khả thi không?
+ Giờ chúng ta phải hình dung nếu không phát triển thì thu ở đấy chỉ có thế thôi. Giờ có đầu tư vào thì nơi đó sẽ phát triển, cái bánh sẽ to ra. Vậy thì tại sao lại không dành cơ chế cho địa phương - có quyết tâm chính trị rất cao như vậy để phát triển. Nếu không cho nó thì không có cái bánh to ra thì không có nguồn thu tăng thêm. Cái đó là vấn đề khó, tuy nhiên cần phải nghĩ đến vấn đề phát triển chung cho cả đất nước này để có cơ chế chính sách, có thể chế linh hoạt mạnh mẽ, nhưng không ảnh hưởng đến những vấn đề an ninh trật tự quốc phòng, an ninh.
.Nguồn vốn đầu tư cho Vân Đồn lên đến hơn 13 tỷ USD, vậy chúng ta cần có chính sách đặc thù thế nào để tạo sức hút các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào đây?
+ Những cơ chế trong dự thảo luật theo tôi thấy thì rất đột phá rồi. Còn so với các thiên đường thuế thì trong dự thảo đó không dược bằng, nhưng mục tiêu chúng ta không phải trở thành thiên đường thuế, không thu cái gì cả. Chúng ta phát triển doanh nghiệp nhưng cũng tạo nguồn thu, tạo động lực phát triển cho các khu hành chính – kinh tế đặc biêt. Còn các nhà đầu tư chúng tôi có nghe người ta muốn thêm có những chính sách ưu đãi hơn nữa. Cái đó là quyền của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu sự cần thiết như thế nào đó để đáp ứng như thế nào đó để có cú hích, có đột phá.
.Cá nhân ông đánh giá tiềm năng Vân Đồn trở thành đặc khu như thế nào?
+ Với một công dân đã từng sống và làm việc ở Quảng Ninh, tôi thấy khát vọng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân Vân Đồn rất cao. Trong thời gian vừa qua đã chuẩn bị rất nhiều điều kiện cần thiết, đầu tư hạ tầng kết nối, đầu tư sân bay, huy động các nhà đầu tư chiến lược. Những điều kiện cần thiết để trở thành khu hành chính – kinh tế đặc biệt phát triển thì tôi thấy vân Đồn đủ điều kiện.
.Xin cảm ơn ông!
.Những chính sách ưu đãi đầu tư tại các “đặc khu” có đặc biệt hơn các quy định trước đây không? Có đề nghị “đặc khu” thì nên có loại hình kinh doanh đặc biệt như casino, “phố đèn đỏ”…?
+ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Tham gia thẩm tra với UBPL, chúng tôi muốn nhiều cơ chế phải mạnh hơn. Ví dụ cơ chế cho thuê đất, chúng tôi muốn ghi rõ trong luật tiêu chí, cái dự án nào, lĩnh vực nào thì được thuê đất 99 năm, dự án nào được thuê đất 70 năm. Điều này để cho các nhà đầu tư biết được lĩnh vực nào được đầu tư như thế nào. UBKT chúng tôi cũng muốn ghi rõ trong luật để định hướng trước các nhà đầu tư.
Vấn đề casino đến giờ đã có nghị quyết rồi, vấn đề này hoàn toàn có thể áp dụng được, thậm chí còn cho cả người Việt Nam để tham gia hoạt động casino. Riêng phố đèn đỏ, câu chuyện đấy còn liên quan đến Trung ương 5 khóa 8 về vấn đề phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, cái này tôi chưa dám bình luận.
Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/chu-nhiem-ubkt-dac-khu-xin-co-che-chu-khong-xin-tien-737173.html