Bộ trưởng Công an: Lộ, mất nhiều tài liệu tuyệt mật
Từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật.
Trình QH chiều nay dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Công an cho biết, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.
Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế...
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc xây dựng dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.
Dự thảo luật phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Tiêu chí phân loại dựa theo hậu quả nếu bí mật bị lộ, mất.
Dự thảo luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm). Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn (có thể là 50 hoặc đến 60 năm) hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.
Về nội dung này, UB Quốc phòng An ninh cơ bản tán thành quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước được chặt chẽ, phù hợp.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Bộ Công an quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước, làm rõ nội hàm “cần giữ bí mật”. Đồng thời, cần quy định rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo luật là thời hạn tối đa hay tối thiểu; số lần gia hạn và thời gian cụ thể cho từng lần gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước.
Trình luật An ninh mạng
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Công an trình dự thảo luật An ninh mạng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Minh Đạt
Cũng thông qua không gian mạng, các đối tượng chống phá liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh...
Dự thảo luật gồm 8 chương, 55 điều, trong đó quy định các hành vi xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống nhà nước... đều sẽ bị xử lý.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cũng nhận định, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.
Một số ý kiến không tán thành ban hành luật An ninh mạng cho rằng, đây là một bộ phận của luật An ninh quốc gia, tuy nhiên UB nhận định việc xây dựng luật là cần thiết vừa để bảo vệ an ninh quốc gia. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.
Tuy nhiên cơ quan thẩm tra cho rằng, các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo chung chung, đề nghị cơ quan xây dựng nghiên cứu, tiếp thu, quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi.
Thúy Hạnh – Hồng Nhì