An Giang: Kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm số lượng lớn lao động, có thêm nhiều đơn hàng, chiến lược phát triển dài hơi… là những dấu hiệu cho thấy tình hình sản xuất của doanh nghiệp (DN) đang khởi sắc đáng mừng. Kèm theo đó, người sử dụng lao động dành sự quan tâm, ưu đãi nhiều hơn đối với lao động, thúc đẩy tăng năng suất, giữ môi trường làm việc ổn định.

Từ ngày 1/5, Công ty TNHH An Giang Samho chính thức tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân viên, sớm hơn thời gian quy định của Chính phủ. Theo đó, lương cơ bản của người lao động (NLĐ) được điều chỉnh tăng 220.000 đồng/người/tháng so với mức lương căn bản trước đó. Đồng thời, tăng các loại phụ cấp lương, như: Thưởng chuyên cần, phụ cấp đi lại, phụ cấp thâm niên và thưởng thu hút công đoạn đặc biệt.

Đại diện công ty cho biết, đáp ứng nhu cầu mở rộng nhà xưởng trong năm nay và các đơn hàng mới, công ty đang tuyển dụng 2.000 lao động, tuy nhiên số thực tế tuyển được vẫn khiêm tốn. Tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), DN may mặc đẩy mạnh tuyển dụng lao động từ đầu năm đến nay. Công ty TNHH Universal Apparel tuyển 1.200 công nhân, lương khi ký hợp đồng từ 5,9 triệu đồng/tháng trở lên, lao động chưa có tay nghề được đào tạo miễn phí có thưởng, nhiều phúc lợi khác.

Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TBS An Giang (huyện Thoại Sơn) Nguyễn Văn Quyền cho biết, năm 2023 vừa qua có nhiều hoạt động thiết thực mang lại lợi ích cho NLĐ. TBS khu vực Thoại Sơn tái cấu trúc bộ máy, đổi mới chiến lược kinh doanh. “Kế hoạch chúng tôi đưa ra năm 2024 là tăng sản lượng 135% so năm 2023. Đến thời điểm hiện tại, so cùng kỳ đã tăng 123%; đơn hàng của công ty đến năm 2025 dự báo tăng từ 10 - 25%. Đây là tín hiệu mừng cho DN, tạo việc làm cho công nhân lao động địa phương” - ông Quyền chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp thông tin, hiện nay cán bộ, công nhân của DN gần 6.000 người, có 2 cụm sản xuất tại TP. Long Xuyên và quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Số lượng đơn hàng và công nhân lao động làm việc tại công ty xấp xỉ bằng thời điểm năm 2020. Với tình hình tích cực hiện nay, DN đang tuyển dụng nguồn lao động, kỳ vọng tiếp tục hoạt động ổn định.

Nhìn chung, nền kinh tế trong nước có xu hướng phục hồi khá tốt. Hai tháng đầu năm 2024, tình hình vẫn còn khó khăn, tình trạng thất nghiệp diễn ra nhiều, đơn hàng của DN bị hạn chế… Tuy nhiên, với sự quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, sự chung tay của DN, địa phương, hiện nay nền kinh tế ổn định, có dấu hiệu phục hồi tốt.

Trong tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I năm 2024 ước tăng 5,39% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (5,31%). DN ngành chế biến thủy sản, may mặc, da giày… đang tuyển dụng số lượng lớn công nhân. Tình hình quan hệ lao động tại DN ổn định, nhiều đơn vị cải thiện thu nhập, phúc lợi cho NLĐ. Đáng chú ý, nhiều công ty sớm tăng lương, tăng giá trị bữa ăn ca, phụ cấp chuyên cần, có hình thức khen thưởng đột xuất hoặc định kỳ nhằm khuyến khích lao động sản xuất giỏi, vượt trội về năng suất.

Bên cạnh tái cấu trúc toàn diện, “giảm lượng, tăng chất”, DN xác định NLĐ là “vốn quý”, nên ngày càng quan tâm thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần. DN còn bày tỏ cảm kích trong thời gian qua nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, địa phương tháo gỡ khó khăn; đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài khu vực sản xuất, ổn định tình hình để hoạt động thuận lợi.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đang có hơn 170 DN dự định tuyển dụng gần 10.000 lao động, tăng gần 200% so cùng kỳ. Trong đó, một số DN tăng đột biến số lượng tuyển dụng chỉ sau 1 tháng. Tuy nhiên, khởi sắc của DN chỉ là tín hiệu ban đầu. Nền kinh tế của cả nước còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn rất khó lường, do bị ảnh hưởng của khu vực và quốc tế.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, lao động, việc làm ở một số DN sản xuất, nhất là các đơn vị thủy sản chưa thật sự ổn định. Thời gian qua, vẫn còn lao động phải giảm giờ làm do công ty ít đơn hàng. Do đó, đời sống, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo tỉnh, ban, ngành thường xuyên nắm tình hình, trao đổi và lắng nghe DN, qua đó ghi nhận sự nỗ lực tích cực, rất vui mừng khi thấy không khí sản xuất ở đa số công ty nhộn nhịp trở lại.

Khó khăn lớn nhất được các DN chia sẻ hiện nay là việc tuyển dụng nguồn lao động. Thông tin lương, thưởng đều được thông báo công khai, nhưng mỗi ngày tại DN chỉ có số lượng nhỏ lao động đến phỏng vấn. Điển hình tại Công ty Cổ phần TBS An Giang, đầu năm đến nay tuyển 1.900 công nhân. Biến động lao động tương đối lớn, nên từ nay đến cuối năm, DN tiếp tục tuyển thêm 1.000 công nhân. Tháng trước, Công ty TNHH An Giang Samho thông báo tuyển 1.000 công nhân, hiện nay nhu cầu đã tăng lên 2.000…

Các DN mong muốn được chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành hỗ trợ thông tin tuyển dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản xuất. DN đồng thời cam kết tiếp tục chính sách, phúc lợi thỏa đáng để giữ chân NLĐ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, mong muốn có sự phối hợp, hỗ trợ để đưa nhiều chính sách có lợi cho NLĐ vào DN, kết nối chặt chẽ để mỗi DN đều là nơi đáng đến cho NLĐ và công nhân làm việc, giúp họ cảm thấy hạnh phúc khi lựa chọn làm việc ở DN trong tỉnh.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-kinh-te-khoi-sac-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-a395495.html